Bánh mì sữa Hokkaido là một trong những loại bánh nổi tiếng được nhiều người yêu thích bởi độ mềm mại và mùi thơm đặc biệt, ngọt béo từ bơ, kem sữa. Bạn hãy cùng SGE Việt Nam tìm hiểu cách làm bánh mì hokkaido bông xốp, ngon, béo, dai mềm chuẩn vị và cực kỳ dễ dàng thực hiện trong bài viết sau nhé!
Mục Lục
1. Giới thiệu về bánh mì sữa Hokkaido

Bánh mì sữa Hokkaido có nguồn gốc từ Hokkaido thuộc đất nước Nhật Bản xinh đẹp. Đây là loại bánh mì sữa phổ biến tại Nhật và hiện cũng rất nổi tiếng tại thị trường Việt Nam bởi độ mềm mại, bông xốp và thơm ngon khó cưỡng.
Bánh mì Hokkaido không phải loại bánh mì mới mà đã có rất nhiều chị em Việt Nam đã thử làm nó từ 2-3 năm trước. Có hai công thức chính để làm bánh mì Hokkaido là công thức làm như bánh mì bình thường và công thức dùng một Water Roux (hay còn gọi là bột Tangzhong).
2. Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh mì sữa Hokkaido

Nếu bạn muốn làm một chiếc bánh mì Hokkaido cho khoảng 4 người ăn, bạn hãy chuẩn bị đúng các nguyên liệu sau:
- 540 gram bột mì số 13
- 60 gram bột mì số 8
- 10 gram men instant vàng
- 30 gram sữa đặc
- 80 gram đường bột
- 1,5 thìa cà phê muối
- 1 quả trứng gà
- 250 gram sữa tươi không đường
- 150 gram whipping cream (kem tươi trên 30%)
3. Quy trình làm món bánh mì sữa Hokkaido

Quy trình làm món bánh mì sữa Hokkaido gồm 9 bước:
Bước 1: Kích hoạt men của bánh mì
Trước tiên, bạn hãy hâm nóng 250 gram sữa tươi không đường trong nhiệt độ khoảng 35 đến 45 độ C. Bạn chỉ được hâm sữa ở nhiệt độ này bởi nếu nóng hơn sẽ làm chết men hoặc yếu hoạt động của men. Tiếp đó bạn cho 5 gram đường và 5 gram men vào sữa rồi khuấy đều. Sau 5 đến 10 phút bạn sẽ thấy men được kích hoạt, nở tạo thành mảng giống gạch cua.
Lưu ý khi kích hoạt men của bánh mì Hokkaido:
- Nếu bạn dùng men khô Instant thì bạn có thể bỏ qua bước này. Nhưng nếu bạn muốn biết men của mình còn hoạt động tốt hay không thì bạn nên thực hiện kích hoạt men.
- Nếu men bánh mì không nở sẽ có hai khả năng: men chết hoặc có vấn đề, sữa ở nhiệt độ quá nóng làm chết men.
Bước 2: Trộn bột làm bánh mì
Bạn cho các nguyên liệu sau vào một tô to: 540 gram bột bánh mì, 60 gram bột làm bánh ngọt, 30 gram sữa đặc, 80 gram đường bột và 1,5 thìa cà phê muối. Sau đó bạn dùng phới trộn đều hỗn hợp. Tiếp đó, bạn lấy một tô mới và cho lần lượt 1 quả trứng, 150 gram whipping cream rồi khuấy đều. Cuối cùng bạn cho phần sữa có men vào hỗn hợp và trộn đều. Bạn từ từ đổ hỗn hợp trứng sữa vào hỗn hợp bột. Bạn hãy dùng phới trộn đều theo kiểu fold cho đến khi tất cả các nguyên liệu hoà quyện với nhau.
Bước 3: Nhào bột làm bánh mì
Trước khi tiến hành nhào bột, bạn hãy phủ một chiếc khăn ẩm hoặc một miếng nilon để lên bề mặt tô cho bột nghỉ khoảng 20 – 30 phút. Sau đó, bạn phủ một lớp bột áo mỏng ra bàn để chuẩn bị cho hỗn hợp ra và nhào bột.
Đầu tiên khi nhào bột, bạn hãy gấp bột lại, dùng mu bàn tay ấn và miết bột ra xa. Lưu ý là bạn phải miết bột ra xa chứ không phải ấn chặt bột xuống bàn. Tiếp đó bạn hãy xoay khối bột một góc 90 độ rồi lặp lại hai bước trên khoảng 15 – 20 phút.
Khi hỗn hợp bột của bạn thành một khối dẻo mịn, có độ đàn hồi nhất định, không bị dính tay, bạn hãy thử kéo bột thành màn mỏng xem chúng có rách không. Nếu chúng không rách, ấn ngón tay vào có độ đàn hồi thì quá trình nhào bột của bạn đã đạt.
Lưu ý khi nhào bột làm bánh mì Hokkaido:
- Có thể nói, so với các loại bánh mì khác thì bột làm bánh mì Hokkaido khá ướt. Do đó, khi nhồi bột bạn chỉ nên dùng một ít bột áo để tránh gặp phải tình trạng bột bị khô ở giai đoạn đầu khiến bánh nở không được mềm mại, tơi xốp như mong muốn.
- Bạn có thể lựa chọn nhào bột bằng máy với thời gian tương tự. Đầu tiên, bạn hãy chạy máy ở tốc độ thấp nhất cho đến khi bột hoà quyệt thành một khối thì dần tăng lên tốc độ vừa, nhào đến khi bột dẻo mịn, có độ đàn hồi tốt.
Bài viết: Máy trộn bột là gì? Máy trộn bột loại nào tốt nhất hiện nay
Bước 4: Ủ bột lần một
Bạn quét một lớp dầu ăn mỏng vào đáy thành tô và cho bột vào rồi lật đều cho đến khi toàn bộ khối bột thấm đều dầu ăn. Tiếp đó, bạn dùng khăn ấm hoặc nilon bọc kín tô và ủ bột trong nhiệt độ phòng 25 -35 độ C đến khi bột nở gấp đôi là được.
Lưu ý khi ủ bột lần một:
- Không có thời gian ủ bột nhất định bởi bột nở nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiệt độ ủ.
- Bạn có thể kiểm tra độ bột ủ bằng cách dùng 2 ngón tay ấn sâu vào khối bột 1-2cm. Nếu vết lõm giữ nguyên thì thời gian ủ bột đã đủ, nếu vết lõm phồng trở lại thì bạn cần ủ bột thêm.
Bước 5: Cắt và chia bột làm bánh
Khi bột ủ đạt yêu cầu, bạn hãy dùng mu bàn tay ép nhẹ để khí trong tô bột thoát ra ngoài. Sau đó bạn cho bột ra ngoài và nhào trong 1-2 phút bằng tay. Bạn hãy chia bột ra làm 4 phần, mỗi phần khoảng 140 gram và dùng cây cán bột để cán mỏng từng phần.
Bước 6: Tạo hình bánh mì Hokkaido
Tạo hình bánh mì Hokkaido rất đơn giản. Trước tiên, bạn hãy cuộn miếng bột theo chiều ngang rồi xoay bột lại góc 90 độ để cán dẹt. Bạn tiếp tục cuộn chiều ngang thêm một lần nữa là được. Sau khi tạo hình xong, bạn hãy quét một lớp bơ hoặc dầu ăn vào khuôn rồi cho bánh lên. Việc làm này sẽ giúp bánh của bạn không bị dính vào khuôn trong quá trình nướng.
Bước 7: Ủ bột lần hai
Bạn hãy ủ bột ở nơi ấm áp cho đến khi bột nở gấp đôi. Sau khi ủ xong, bạn nên quét thêm một lớp whipping cream hoặc bơ lên mặt bánh để bánh tăng thêm độ thơm ngon, béo ngậy và có độ bóng hơn.
Bạn có thể ủ bánh lần hai trong lò nướng 3 phút với nhiệt độ 50 độ C. Nếu làm theo cách này, bạn hãy đặt thêm một cốc nước sôi vào lò để giữ độ ẩm cho bánh không bị khô.
Bước 8: Nướng bánh mì Hokkaido
Bạn hãy làm nóng lò nướng bánh mì ở nhiệt độ 170 độ C trước khi cho bánh vào nướng trong 15 phút. Bánh mì Hokkaido sẽ được nướng ở nhiệt độ 170 – 175 độ C trong khoảng 30 – 40 phút đến khi bánh chín vàng.
Bước 9: Hoàn thành bánh mì
Thành phẩm bạn nhận được sẽ là một chiếc bánh mì Hokkaido có mùi thơm béo ngậy từ bơ, kem sữa và vô cùng tơi xốp, mềm mại khi xé ra.
4. Những lưu ý khi thực hiện và cách bảo quản bánh mì sữa Hokkaido
Lưu ý cách thực hiện và bảo quản bánh
Dưới đây là những lưu ý về cách thực hiện và bảo quản bánh mì Hokkaido bạn nên biết:
- Nếu bạn không tìm được bột bánh mì, bột bánh ngọt thì bạn có thể dùng bột mì đa dụng All Purpose Flour.
- Nếu mặt bánh nhanh vàng, bạn hãy phủ 1 miếng giấy bạc lên để tránh tình trạng mặt bánh bị cháy. Bạn không nên hạ nhiệt độ trong trường hợp này vì vỏ bánh có thể bị dai và dày.
- Nếu bạn muốn cắt bánh mì thành từng lát thì bạn phải đợi cho đến khi bánh nguội hẳn để phần ruột bánh không bị bết, dính.
- Bạn nên bảo quản bánh mì Hokkaido trong hộp, túi kín ở những nơi có điều kiện thoáng mát. Bánh sử dụng ngon nhất trong khoảng 2-3 ngày.
Trên đây là những chia sẻ về cách làm bánh mì sữa Hokkaido ngon, béo, dễ thực hiện dành cho bạn đọc quan tâm. Mong rằng bài viết sẽ đem đến cho bạn nhiều thông tin, kiến thức thú vị, giúp ích cho bạn trong quá trình làm bánh. Chúc bạn thành công thực hiện món bánh mì Hokkaido tại nhà!